Dưới đây là mâm lễ cúng Rằm tháng 7 âm lịch và những kiêng kỵ trong nghi thức cúng theo gợi ý của chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà.
1. Đồ lễ cúng thần linh và gia tiên
Gia chủ lựa chọn thực đơn theo mùa cho tươi ngon. Thời điểm này đã bước sang thu nhưng tiết trời còn khá nóng, nên lựa chọn đồ ăn có vị mát, tính hàn.
Mâm cúng gia tiên thường là cỗ mặn, một số nhà cúng kèm theo tiền vàng và những vật dụng dành cho người cõi âm làm bằng giấy tượng trưng như quần áo, giày dép...
Các gia đình có thể làm một mâm cơm mặn với đủ các món như xôi, gà luộc, canh, cơm, cá kho… và đồ vàng mã theo nhu cầu sinh thời của người đã khuất.
2. Đồ lễ cúng cô hồn (cúng chúng sinh)
Theo tín ngưỡng dân gian, Rằm tháng 7 còn gọi là ngày “Xá tội vong nhân”, tức là ngày Diêm Vương mở cửa địa ngục cho các vong hồn khi tại thế thất cơ lỡ vận, không nơi nương tựa và chịu nhiều oan trái ở kiếp trước...
Cúng cô hồn cũng là cách để người dương mong muốn tránh gặp xui xẻo trong tháng 7 cũng như tích đức, tích phước cho con cháu, xóa tội cho vong linh người thân đã khuất.
Lễ cúng cô hồn thường được tổ chức vào buổi chiều tối ngày 14/7 hoặc 15/7. Người ta quan niệm, đây là thời gian những vong linh trên đường trở về địa ngục nên cũng là lúc cúng cô hồn chuẩn nhất. Mọi việc cúng phải được hoàn tất vào ngày 15/7.
Mâm cúng cô hồn chỉ nên chuẩn bị các món đồ chay để các cô hồn không phát sinh lòng tham.
Một mâm lễ cúng cô hồn điển hình gồm có:
- Muối + gạo (1 đĩa): Sẽ rắc ra vỉa hè ngã ba, ngã tư đường hoặc sân trước nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong.
- Cháo trắng nấu loãng (12 chén nhỏ) hay cơm vắt: 3 vắt.
- 12 cục đường thẻ
- Hoa quả (5 loại 5 màu)
- Bắp rang, khoai lang, ngô, sắn luộc...
- Mía (để nguyên vỏ và chặt từng khúc nhỏ độ 15cm)
- Bánh, kẹo, tiền mặt (tiền thật, các loại mệnh giá thấp)
- Nước: 3 ly nhỏ, 3 cây nhang, 2 ngọn nến nhỏ
Bày lễ và cúng ngoài trời hoặc trước cửa chính ngôi nhà. Gia chủ có thể đọc các bài văn cúng hoặc khấn nôm theo tâm nguyện. Kết thúc lễ, gạo, muối được vãi ra sân, đường.
10 lưu ý khi tiến hành nghi lễ cúng Rằm tháng 7
1. Không cúng chúng sinh, cúng cô hồn ở trong nhà, nên cúng ngoài sân, ngoài đường hoặc đăng kí cúng ở đình, chùa...
2. Không tùy tiện đốt giấy, vàng mã
3. Khi khấn cúng chúng sinh không nhất thiết phải đọc tên tuổi địa chỉ của bản thân và người thân trong gia đình, vì khi làm phúc không nhất thiết phải đợi báo ân.
4. Khi cúng chúng sinh nên mang theo bên người đồng tiền bạc có mặt chữ Phúc hoặc chữ Thọ tượng hình.
5. Không mặc quần áo màu đen hay kết hợp 2 màu đen trắng khi cúng chúng sinh, bởi đây là những màu sắc mang năng lượng âm cao.
Khi đứng cúng hoặc tham gia lễ cúng chúng sinh, gia chủ nên mặc áo màu đỏ, hồng, cam, vàng, xanh ngọc... và những màu sắc tươi sáng.
6. Trước ngày cúng, người đứng cúng cần giữ thân thể thanh tịnh.
7. Khi mâm cỗ cúng đã lên hương, tuyệt đối không để trẻ em ở gần mâm cúng, vừa tránh trẻ không ăn vụng đồ cúng và cũng để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ tâm linh của trẻ trước các vong linh cô hồn.
8. Cúng chúng sinh xong hoặc vừa ra nghĩa trang xong, gia chủ trước khi bước vào cửa chính cần lưu ý: Nam đi qua lửa 7 lần, nữ đi qua lửa 9 lần.
9. Nếu bị hạn Tam Tai, thì phải cúng Tam Tai trước. Năm Giáp Thìn 2024 có 3 tuổi Thân, Tý, Thìn phạm Tam Tai.