Từ một cơn bão được dự báo chỉ ở mức vừa phải, bão Milton ở Vịnh Mexico (Đại Tây Dương) đã mạnh lên nhanh đến mức các cơ quan khí tượng phải khá vất vả mới cập nhật kịp.
Theo cập nhật từ CNN, cơn bão Milton ở Vịnh Mexico đã mạnh lên thành bão cấp 5 - cấp mạnh nhất trên thang đo Saffir–Simpson được dùng ở Mỹ - với sức gió 290 km/h. Nếu tính theo thang đo ở Việt Nam, sức gió như vậy là trên cấp 17 (gió cấp 17 là 202 - 220 km/h).
Như vậy, bão Milton đã chính thức trở thành cơn bão mạnh nhất thế giới trong năm nay, vượt qua bão Beryl (sức gió mạnh nhất là 265,5 km/h) theo thống kê từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) của Mỹ.
Dù vậy, các nhà nghiên cứu tại xứ cờ hoa khẳng định, bão Milton vẫn chưa đạt cường độ đỉnh và còn có thể sẽ mạnh lên tiếp. Hiện tại, dựa trên áp suất khí quyển thì siêu bão Milton đã là cơn bão mạnh thứ tư trong lịch sử.
Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) của Mỹ cho biết sức gió của bão Milton sẽ lên đến 295 km/h vào chiều nay (giờ Việt Nam) và có thể đạt giới hạn khoảng 314 km/h.
Đáng chú ý, siêu bão Milton đang di chuyển hướng về bang Florida (Mỹ). Đây cũng chính là khu vực vừa chịu thiệt hại nặng nề do bão Helene và vẫn còn hàng trăm người mất tích. Do đó, chính quyền bang Florida đang chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc sơ tán người dân lớn nhất kể từ hồi bão Irma năm 2017.
Giới khoa học nhận thấy, sự nóng lên của đại dương do biến đổi khí hậu đang góp phần khiến bão mạnh lên nhanh hơn. Biến đổi khí hậu đang làm các cơn bão mang nhiều hơi nước hơn, nhiều gió hơn và dữ dội hơn.
Ngoài ra, cũng có bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu khiến bão di chuyển chậm hơn, theo đó bão có thể trút nhiều nước hơn vào một chỗ.
Biến đổi khí hậu cũng có thể làm tăng lượng mưa do cơn bão mang lại. Nguyên nhân là do bầu khí quyển ấm hơn có thể giữ nhiều độ ẩm hơn nên hơi nước tích tụ cho đến khi mây tan, gây ra mưa lớn.