Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc dự báo chính xác, phạm vi hẹp nhất về mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong chỉ đạo điều hành, ứng phó với thiên tai. Tuy nhiên, đến nay chưa có bản đồ nguy cơ sạt lở đất lũ quét tới từng thôn, bản để người dân biết, chủ động phòng tránh, dẫn đến thiệt hại về người nghiêm trọng như vừa qua.
Bộ NN&PTNT vừa báo cáo Thủ tướng về công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa bão sau lũ.
Theo Bộ NN&PTNT, bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây ra đợt mưa rất lớn, kéo dài liên tục trên diện rộng tại khắp các địa phương khu vực Bắc Bộ, tổng lượng mưa phổ biến từ 250-500mm, một số nơi trên 700mm, gây ra đợt lũ lớn tại hầu hết các sông ở Bắc Bộ. Đặc biệt tại Lào Cai, Yên Bái, lũ sông Hồng, sông Cầu (Thái Nguyên, Bắc Ninh), sông Đáy (Ninh Bình), sông Trà Lý (Thái Bình) đã vượt lũ lịch sử (tại Yên Bái vượt mức lũ lịch sử năm 1968 khoảng 1,31m).
Lũ trên các sông ở Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Ninh Bình và hạ lưu sông Hồng đều ở mức rất cao trên báo động số 3. Mực nước sông Hồng tại Hà Nội dưới báo động 3 khoảng 0,2m (đây là mức lũ cao nhất trong hơn 20 năm qua tại Hà Nội).
Đáng chú ý, mưa lớn kéo dài cũng gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại hầu hết các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, nhất là tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng,... ngập lụt nghiêm trọng tại các khu vực thấp trũng ở cả miền núi, trung du và đồng bằng Bắc Bộ, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của người dân.
Tính đến ngày 16/9, mưa lũ đã khiến 292 người chết và 38 người mất tích, trong đó đặc biệt là nguyên nhân đến từ lũ quét, sạt lở đất.
Bên cạnh những kết quả tích cực trong công tác chỉ đạo, ứng phó Bộ NN&PTNT cho rằng vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại. Theo đó, việc cảnh báo tác động, nguy cơ thiệt hại do bão, mưa lũ còn chưa cụ thể, người dân chưa hình dung được những thiệt hại to lớn khi bão đổ bộ và sau bão dẫn đến tư tưởng chủ quan trong ứng phó.
Vẫn còn tình trạng một số người dân chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo, khuyến cáo của cơ quan chức năng trong phòng, chống bão dẫn đến thiệt hại đáng tiếc về người như do tàu thuyền bị chìm và tham gia giao thông khi có gió bão.
Công tác dự báo, cảnh báo sớm, chính xác, phạm vi hẹp nhất là về mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong chỉ đạo điều hành, ứng phó với thiên tai. Tuy nhiên, hiện chưa có bản đồ nguy cơ sạt lở đất lũ quét tới từng thôn, bản để người dân biết cũng như phục vụ công tác di dời, tái định cư hay công tác chỉ đạo ứng phó.
Dự báo, cảnh báo mưa lớn, nhiều nơi lũ vượt lịch sử; dự báo mưa lũ phục vụ vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng (nhất là hồ Thác Bà) chưa kịp thời, tin cậy, chưa bám sát thực tế và yêu cầu của công tác chỉ đạo điều hành.
Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình còn một số tồn tại, bất cập về thời gian mùa lũ, quy định về tích nước sớm, vì nhiều trận lũ lớn đã xảy ra vào thời kỳ lũ muộn như năm 2017, năm 2024 dẫn đến dung tích cắt lũ các hồ chứa không đáp ứng yêu cầu cắt giảm lũ cho hạ du;
Quy định về thẩm quyền và quy trình thực hiện trong tình huống khẩn cấp đảm bảo an toàn hồ chứa chưa cụ thể, dẫn đến lúng túng, thời gian kéo dài trong phối hợp xử lý như quy định về tình huống khẩn cấp hồ Thác Bà.
Do đó, Bộ NN&PTNT đề xuất bên cạnh các nhiệm vụ khẩn trương tìm kiếm nạn nhân mất tích, khắc phục hậu quả do bão số 3, thời gian tới cần tăng cường dự báo, cảnh báo, giảm thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, trong đó tập trung nâng cao chất lượng công tác dự báo mưa định lượng mưa phục vụ cảnh bảo lũ quét, sạt lở đất; lập bản đồ cảnh báo thiên tai, nhất là bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp thôn, bản.
“Cần rà soát, sửa đổi các bất cập trong quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình như thời gian mùa lũ, quy định về tích nước sớm, quy định, quy trình trong tình huống khẩn cấp; củng cố, nâng cấp bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước, xây dựng hệ thống cảnh báo xả lũ hồ chứa”, Bộ NN&PTNT cho hay.
Bộ NN&PTNT kiến nghị xây dựng công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực trọng điểm, xung yếu; xây dựng, lắp đặt các trạm cảnh báo lũ quét tự động tại những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét; đồng thời nâng cấp các tuyến đê sông, đê biển đảm bảo chống chịu được với các trận bão rất mạnh như bão số 3, lũ trên sông vượt lịch sử.