Thời tiết năm 2024 chứng kiến sự gia tăng đáng kể về số lượng và cường độ các cơn bão mạnh trên toàn cầu, gây nhiều lo ngại về tác động của biến đổi khí hậu.
Thời gian vừa qua, cơn bão Yagi đã càn quét Philippines, Trung Quốc, Việt Nam, gây thiệt lại lớn về người và tài sản. Với sức gió mạnh và mưa lớn, bão Yagi đã gây lũ lụt và sạt lở, làm nhiều ngôi nhà bị cuốn trôi, mùa màng bị hủy hoại và hạ tầng giao thông bị hư hỏng nặng nề…
Hiện tại, bão Milton đang càn quét nước Mỹ, với diễn biến đặc biệt phức tạp, gây mưa lớn và nguy cơ cao xảy ra lốc xoáy, lũ quét nghiêm trọng. Trung tâm Bão quốc gia Mỹ gọi bão Milton là cơn bão “cực kỳ nguy hiểm”. Các chuyên gia khí tượng nhận định, bão Milton có thể trở thành cơn bão mạnh nhất thế giới năm 2024, thách thức các giới hạn chịu đựng của con người và buộc giới chức cũng như người dân Mỹ phải nâng cao cảnh giác cao độ.
Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, nguyên nhân khiến năm nay có nhiều bão mạnh như: Geami, Yagi, Krathon hay Helence, Milton… có thể là do tác động bởi một số yếu tố khí hậu và môi trường.
Theo đó, năm nay là năm chuyển pha El Niño sang Lania, quá trình chuyển pha quan sát được xếp vào chuyển pha nhanh nên đốt nóng và mất cân bằng nhiệt ẩm đại dương đang diễn ra mạnh mẽ góp phần làm tăng nguồn cung cấp năng lượng cho sự hình thành và phát triển của các cơn bão nhiệt đới.
Cùng với đó là sự nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ của cả đại dương và khí quyển. Khi nước biển ấm lên, nó cung cấp nhiều hơi nước và năng lượng hơn cho các hệ thống thời tiết khiến việc hình thành nhiều bão mạnh hơn và cường độ của các cơn bão này cũng tăng lên.
Theo ông Mai Văn Khiêm, chúng ta đã chứng kiến sự bất thường về nhiệt độ trung bình toàn cầu từ đầu năm đến nay (tháng 1 đến tháng 8/2024) cao hơn 0,70°C so với mức trung bình giai đoạn 1991 - 2020.
Nhiều khả năng năm nay sẽ là năm ấm nhất năm được ghi nhận và khi nhiệt độ tăng lên thì các cơn bão mạnh cũng gia tăng. Điều này đã được đề cập tới trong Báo cáo đánh giá biến đổi khí hậu lần thứ 6 (Sixth Assessment Report AR6) của Ban Liên Chính phủ về BĐKH (IPCC): Trong tương lai, số lượng các cơn bão mạnh tăng, chẳng hạn như loại bão ở ngưỡng CAT 4-5 (tốc độ gió lớn hơn 200 km/h) có nghĩa là những cơn bão có cường độ mạnh trên cấp 17 sẽ gia tăng.
Một số nghiên cứu công bố mới đây tại Mỹ cũng cho thấy, hiện tượng nóng lên toàn cầu là nguyên nhân dẫn đến các cơn bão nhiệt đới xảy ra với cường độ mạnh hơn và tần suất nhiều hơn. Nghiên cứu này cho biết, nhiệt độ bề mặt đại dương ấm lên khiến lượng hơi nước trong khí quyển gia tăng làm cho các cơn bão mạnh lên về cường độ.
Được biết, mức tăng nhiệt độ toàn cầu 1 độ C hiện nay đã khiến sức tàn phá của bão tăng trung bình khoảng 40%. Trong khi đó, hiện tượng "tăng nhanh cường độ", cũng đang trở nên phổ biến hơn.
Gần đây, một số nghiên cứu cũng nhắc đến khả năng biến đổi khí hậu cũng làm giảm độ đứt gió thẳng đứng- những thay đổi về tốc độ và hướng gió theo độ cao - dọc bờ biển Đại Tây Dương của Bắc Mỹ và bờ biển Thái Bình Dương của châu Á.
Độ đứt gió thẳng đứng mạnh có thể ngăn cản cơn bão phát triển mạnh và giảm sức tàn phá của bão, tuy vậy do biến đổi khí hậu đã làm giảm yếu tố này. Nguyên nhân đến từ sự thay đổi trong các hoàn lưu, và sự phân bổ lại khí áp có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành bão và duy trì cường độ của chúng trong thời gian dài hơn.
Bên cạnh đó, sự chênh lệch nhiệt độ bề mặt đất với bề mặt nước cũng khiến độ ẩm tăng cao dọc khu vực bờ biển khiến áp suất và lưu thông gió đẩy độ ẩm vào tầng bình lưu giữa, tạo điều kiện để bão phát triển.
Dự báo về thiên tai, bão lũ từ nay đến cuối năm, ông Khiêm nhận định, từ tháng 10 - 12/2024, hoạt động của bão trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm (4,5 cơn). Trong đó, số cơn bão đổ bộ vào đất liền có thể cao hơn so với trung bình nhiều năm (1,9 cơn) và tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Đề phòng khả năng bão hình thành ngay trên khu vực Biển Đông và không loại trừ xảy ra những cơn bão mạnh.