Tin thời tiết

Siêu bão Yagi quần thảo Biển Đông, gần 9.000 ngư dân còn lênh đênh ngoài khơi đánh bắt hải sản

Hà Tĩnh, Quảng Ngãi và Thừa Thiên - Huế còn gần 700 phương tiện với gần 9.000 lao động còn đang ở ngoài khơi trong lúc bão Yagi đang quần thảo trên Biển Đông.

Lúc 13h ngày 5/9, vị trí tâm siêu bão Yagi (bão số 3) trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 460km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10km/h.

 

Dự báo chiều 7/9, bão trên vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh đến Nam Định, tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km/h và suy yếu dần. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15.

Các địa phương đã có các phương án chủ động phòng, chống đối với siêu bão, đồng thời kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú.

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) Quảng Ngãi, tính đến 10h ngày 5/9, số tàu cá của địa phương này còn đang hoạt động trên các vùng biển là 599 với 5.450 lao động.

Cụ thể, vùng biển khu vực Vịnh Bắc Bộ là 107 tàu với 758 lao động; vùng biển Hoàng Sa là 128 tàu với 909 lao động; vùng biển giữa biển Đông, Trường Sa, ĐK1 là 212 tàu với 2.705 lao động; vùng biển Nam Biển Đông là 64 tàu với 438 lao động và vùng biển tỉnh Quảng Ngãi là 88 tàu với 644 lao động.

Số tàu đang neo đậu tại các bến là 3.613 tàu với 31.314 lao động.

Tại Hà Tĩnh, tính tới sáng 5/9, địa phương này có 2.998 phương tiện với 9.488 lao động, đang neo đậu tại các bến, bãi. Trong đó, 2.985 phương tiện với 9.434 lao động, neo đậu tại các âu thuyền, dọc bờ bãi ngang trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Ngoài ra, có 58 phương tiện với 252 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, khu vực gần bờ, vùng lộng, vùng khơi biển Hà Tĩnh có 54 phương tiện với 230 lao động; khu vực gần đảo Bạch Long Vĩ (vịnh Bắc Bộ) có 4 phương tiện với 22 lao động.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế, toàn tỉnh có 1.884 phương tiện với 10.685 lao động. 5 phương tiện của các địa phương khác với 56 lao động đang neo đậu trú tránh tại Thừa Thiên - Huế.

Đến 5h ngày 5/9, tổng số phương tiện của Thừa Thiên - Huế đang hoạt động trên biển là 33 phương tiện với 229 lao động. Trong đó có 16 phương tiện với 182 lao động hoạt động ở vùng lộng và vùng khơi khu vực Quảng Trị đến phía Đông vùng biển Chân Mây (Thừa Thiên - Huế); 17 phương tiện với 47 lao động đang hoạt động vùng bờ.

 

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương, hiện tất cả tàu, thuyền đã nhận được thông tin về diễn biến, hướng di chuyển của bão. Đối với các tàu thuyền ở trong khu vực ảnh hưởng của bão, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh đã thông tin cho họ và đề nghị khẩn trương di chuyển để tránh trú an toàn.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thừa Thiên - Huế cho biết, trước diễn biến phức tạp, khó lường của mưa bão, các địa phương, đơn vị trong tỉnh dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền phục vụ công tác phòng chống thiên tai.

Hai huyện miền núi dễ bị chia cắt, cô lập do bão lũ là Nam Đông và A Lưới chủ động dự trữ tại chỗ các mặt hàng thiết yếu như mì ăn liền, xăng dầu, nước uống đóng chai... để phục vụ người dân.

Các địa phương, ban ngành vận động người dân chủ động dự trữ hàng hóa thiết yếu bảo đảm dùng liên tục từ 7-10 ngày khi có thiên tai, lụt bão xảy ra. UBND các huyện, thị xã, TP Huế tổ chức rà soát phương án di dời dân ứng phó với mưa bão, nước dâng do bão lũ.

Theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, khi bão số 3 với cường độ mạnh ảnh hưởng đến Thừa Thiên - Huế, trên địa bàn toàn tỉnh sẽ có 13.510 hộ dân, với 46.073 nhân khẩu, được di dời đến nơi an toàn.