Tin thời tiết

Siêu bão Kong-rey lập kỷ lục lạ: Mắt bão to nhất năm 2024, thuộc mức to nhất từng có

Đường kính mắt của siêu bão Kong-rey rất lớn, đến mức các nhà khí tượng học còn phải ngạc nhiên, bởi thường thì những cơn bão mạnh có mắt bão nhỏ (mắt bão lỗ kim). Kong-rey đã trở thành cơn bão mắt to nhất 2024 và là một trong những cơn bão có mắt to nhất từng thấy trên Trái Đất.

 

Càng ngày, các cơn bão càng trở nên lạ lùng hơn, lập nhiều kỷ lục hơn, mà cơn bão lập kỷ lục mới nhất là siêu bão Kong-rey, đang tiến về phía Đài Loan (Trung Quốc).

Sáng nay, 31/10, sức gió mạnh nhất của bão Kong-rey là 215 km/h, và dự báo nó sẽ yếu đi một chút trước khi đổ bộ Đài Loan trong hôm nay. Gọi là “yếu đi” nhưng sức gió của nó có thể vẫn khoảng 175 km/h (cấp 15) khi đổ bộ, tức là vẫn rất mạnh.

Có một điều lạ là mạnh như vậy nhưng bão Kong-rey lại có mắt bão rất to, khiến các nhà khí tượng học cũng ngạc nhiên. Theo con số chưa chính thức thì lúc cực đại, mắt bão Kong-rey có đường kính đến khoảng 200 km, sau đó thu nhỏ lại còn khoảng 100 km.

Đây là hình ảnh mắt bão khổng lồ của siêu bão Kong-rey trong khi nó tiến về phía Đài Loan (Trung Quốc):

 

Đường kính mắt bão trung bình chỉ khoảng 32 - 64 km, còn mắt bão lỗ kim - thường ở những cơn bão mạnh - có đường kính chỉ khoảng 16 km trở xuống. Như vậy, rõ ràng là bão Kong-rey có mắt rất to, tính đến thời điểm này thì Kong-rey là cơn bão có mắt to nhất năm 2024.

Nhà khí tượng học Noah Bergren của kênh WOFL ở Florida (Mỹ) đã phải bình luận: “Siêu bão Kong-rey là một trong những cơn bão có mắt bão to nhất mà bạn từng thấy trên Trái Đất”.

Dù bão mạnh thường có mắt nhỏ nhưng bão có mắt to không có nghĩa là bão yếu, theo nhà khí tượng học Alan Reppert nói với trang Newsweek. “Nó chỉ có nghĩa là gió của bão cách xa tâm bão hơn là ở những cơn bão nhỏ”. Ông Reppert cũng nói, một cơn bão mạnh mà tồn tại lâu cũng thường có mắt to hơn.

Người dân ở Đài Loan (Trung Quốc) đi trong mưa vào ngày 30/10 khi bão Kong-rey đang đến gần. Ảnh: AFP.

Cường độ của siêu bão Kong-rey cũng là rất lạ ở thời điểm này của năm, vì giờ đã là gần cuối mùa bão ở Tây Bắc Thái Bình Dương, theo The New York Times. Sau khi đổ bộ Đài Loan (Trung Quốc), bão Kong-rey có thể tiếp tục gây mưa to gió lớn ở phía Đông Trung Quốc và cả Nhật Bản.