Tin thời tiết

Cảnh báo hàng chục điểm sạt lở tại TPHCM đe dọa đến sự an toàn của tính mạng của người dân trong mùa mưa lũ

Trên địa bàn TPHCM hiện có 32 điểm sạt lở, đe dọa đến sự an toàn của các công trình và tài sản, tính mạng của người dân trong mùa mưa lũ. Thành phố đang tập trung nhiều giải pháp nhằm cảnh báo và thực hiện các phương án chống sạt lở.

Chiều 19/9, ông Nguyễn Đức Vũ, Chi Cục trưởng Chi cục thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM) cho biết hiện TP có 32 vị trí sạt lở gồm: thành phố Thủ Đức (7); huyện Nhà Bè (7); huyện Bình Chánh (4); huyện Hóc Môn (1) huyện Củ Chi (1); huyện Cần Giờ (5); quận Bình Thạnh (5); quận 12 (2).

Đến nay đã có 24 vị trí sạt lở đang được TPHCM có chủ trương đầu tư thi công, 8 vị trí sạt lở còn lại, thành phố đã giao cho UBND các quận, huyện lập kế hoạch để gia cố trong tình huống mưa bão và Triều cường cao.

Mùa mưa bão là thời điểm nhiều vị trí nguy cơ sạt lở trên địa bàn TPHCM rơi vào tình trạng mất an toàn rất cao

Theo ông Vũ, các điểm sạt lở nguy hiểm điển hình đe dọa đến sự an toàn của các công trình được đại diện Sở NN&PTNT nêu ra gồm: hệ thống công trình thuỷ lợi Kênh Đông Củ Chi-N31A hiện đang trong thời gian cắt, giảm nước chuyển vụ từ vụ Đông Xuân 2023-2024 sang vụ Hè Thu 2024, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ Thủy lợi thành phố đã rà soát hiện trạng và thực hiện sửa chữa một số tuyến kênh như kênh Đông, kênh N38, kênh N43 để đảm bảo vận hành an toàn trong mùa mưa lũ năm 2024.

Báo cáo của Cục trưởng Chi cục thủy lợi cho thấy, tại công trình thủy lợi Hóc Môn – bắc Bình Chánh thì hạng mục cầu giao thông qua cống Tân Kiên đã bị xuống cấp, hư hỏng ảnh hưởng đến an toàn công trình, người và phương tiện lưu thông qua cầu;

Cống Sài Gòn 3 thuộc đê bao ngăn lũ ven sông Sài Gòn, thành phố thủ Đức (từ cầu Bình Phước đến rạch Cầu Ngang) nước luồn qua đáy cửa van, mái thượng hạ lưu cống xuống cấp, sụp lún, nứt gãy, đường vận hành trên cống xuống cấp.

Thành phố đang nỗ lực gia cố các điểm sạt lở, bảo vệ an toàn cho các công trình và tài sản, tính mạng của người dân

Tuyến Suối Cái, rạch Can thuộc dự án công trình Suối Cái, kè bờ suối Gò Cát và suối Tiên lòng rạch bị bồi lắng, cây cỏ nhiều, mái bờ rạch một số vị trí đang bị sụp lún, nứt gãy; công trình thủy lợi đê bao sông Sài Gòn từ Cầu Bến Súc đến rạch Thai Thai - xã Phú Mỹ Hưng mặt bờ bao đoạn từ K0+00 đến K3+00 bị xuống cấp, nhiều ổ gà.

Bờ bao rạch Dừa, hai bên bờ rạch Cát, bờ trái kênh số 2, bờ phải rạch Da xuống cấp, sụp lún một số vị trí khi mực nước triều đạt từ +1,30m có tình trạng nước tràn qua mặt bờ bao.

Đối với các công trình thủy lợi, đê bao, bờ bao UBND TPHCM đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương bảo trì, sửa chữa hàng năm từ nguồn quỹ thiên tai. Để xử lý những sự cố các công trình thành phố đã lập 312 đội xung kích với khoảng 21.000 người. “Trong trường hợp xảy ra sự cố đê bao, bờ bao, lực lượng này sẽ ứng phó để giảm thiểu thiệt hại cho người dân” - ông Vũ nói.